Sưu tầm từ tác giả: Nguyễn Song Tùng – Viện Địa lí nhân văn – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Ngày môi trường thế giới 05/6/2022: Chỉ một trái đất
05/06/2022 Ngày Môi trường thế giới diễn ra hằng năm vào ngày 5/6. Với chủ đề “Chỉ một Trái Đất”, Ngày Môi trường thế giới 2022 được phát động nhằm truyền tải thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
Chỉ một Trái đất (Only One Earth)
Ngày Môi trường thế giới được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích các hành động vì môi trường trên toàn thế giới được tổ chức hằng năm kể từ năm 1974, sự kiện đã trở thành một nền tảng quan trọng thúc đẩy tiến bộ về các nội dung môi trường của Mục tiêu Phát triển Bền vững. Với định hướng của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hơn 150 quốc gia tham gia mỗi năm, các tập đoàn lớn, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và những người nổi tiếng trên khắp thế giới thông qua chương trình kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới để ủng hộ các hoạt động vì môi trường.
Mục đích của Ngày Môi trường thế giới hằng năm là tập trung sự chú ý của mọi người trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Cứ mỗi năm, Liên Hiệp Quốc chọn một thành phố thuộc một quốc gia thành viên làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ kết hợp với Tổ chức UNEP (Môi trường) của Liên hiệp quốc để tổ chức sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo được lựa chọn theo tính thời sự cấp bách về môi trường trong năm ấy để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, cùng các hoạt động thiết thực khác trên toàn Trái đất.
Năm 2022, Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6) được phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Thông điệp này tiếp tục nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tạo động lực cho các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một Trái đất tốt hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
Năm 2022 có ý nghĩa to lớn, đánh dấu 50 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường con người – Hội nghị Stockholm năm 1972 dẫn đến việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). “Chỉ Một Trái đất” cũng là chủ đề trọng tâm cho Hội nghị Stockholm cách đây 50 năm, đến nay vẫn luôn mang tính thời sự bởi hành tinh này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là không gian cho sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên, nơi có nguồn tài nguyên hữu hạn mà nhân loại phải bảo vệ, gìn giữ. Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai và ô nhiễm môi trường là hồi chuông cảnh tỉnh con người phải có những biện pháp cấp bách và hiệu quả để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cứu lấy Trái đất của chúng ta.
Ý nghĩa thông điệp đối với Việt Nam
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới. Những năm gần đây, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất… các sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người luôn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học… qua đó, hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Tại Việt Nam, Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: Phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon; không lãng phí đồ ăn, thức uống; trồng nhiều cây xanh; bảo vệ nguồn nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế; hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ bao bì đúng nơi quy định; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo…
Chúng ta hãy cùng hành động để giúp hành tinh xinh đẹp và duy nhất này vẫn mãi là ngôi nhà thân yêu cho con người và thiên nhiên trong sự hài hòa và cân bằng!
Nguyễn Song Tùng
Viện Địa lí nhân văn – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam